MỤC TIÊU, TÌNH YÊU VÀ KỶ LUẬT
Ba thứ đó liệu có liên quan tới nhau không? Tại sao tình yêu mà lại cần kỉ luật và mục tiêu? Yêu như thế liệu có yêu thật lòng hay là tình yêu "thực dụng"?
Với mình tình yêu mà đi cùng với cam kết trách nhiệm là tình yêu bền vững nhất. Nó không hề thực dụng chút nào, ngược lại đó là tình yêu nồng nàn, chân thành nhất. Bởi tình yêu ấy đòi hỏi bản thân người trao đi phải không ngừng cố gắng và nỗ lực.
Chỉ vì yêu vợ con mà anh chồng từ chối cuộc nhậu cuối ngày cùng đội bạn để về đi chạy và đạp xe cùng con gái. Chỉ vì yêu vợ con mà tối nào anh ấy cũng hỗ trợ vợ công việc nhà để vợ có thời gian nghỉ ngơi và dạy con học.
Vì yêu mà anh không ngừng học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn để tối ưu hoá năng suất công việc. Bởi anh ấy biết khi làm việc hiệu quả anh ấy sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân và cho gia đình. Đó là cách anh ấy thể hiện tình yêu của một người chồng, một người cha.
Và dĩ nhiên để thể hiện được TÌNH YÊU ấy không thể thiếu hai công cụ quan trọng đó là MỤC TIÊU và KỶ LUẬT.
Nếu không có mục tiêu là "dành thời gian chất lượng cho vợ con vào buổi tối" thì có lẽ anh ấy sẽ không ưu tiên về nhà ngay sau giờ tan tầm.
Nếu không có mục tiêu cùng vợ kiến tạo nên một gia đình hạnh phúc, êm ấm thì có thể anh sẽ dành thời gian, tâm trí của mình cho một người khác. Cảm xúc thì vô hạn nhưng cam kết trách nhiệm thì có hạn.
Nếu một người không có mục tiêu, không có tiêu chuẩn, không cam kết trách nhiệm thì họ rất dễ đi sai đường. Vậy nên không những cần đặt mục tiêu cho công việc mà còn phải biết đặt mục tiêu cho những khía cạnh khác nữa.
- Gia đình: Bạn muốn sống trong một gia đình như thế nào? Đâu là giá trị sống mà bạn hướng tới cho gia đình mình? Bạn sẽ trở thành người thế nào trong gia đình ấy?
- Phát triển bản thân: bạn muốn cải thiện kỹ năng gì? Ở khía cạnh nào? Bạn sẽ thay đổi ra sao trong 3-5 năm tới?
- Nuôi dạy con: bạn muốn nuôi dạy con trở thành người như thế nào? Đâu là giá trị mà bạn ưu tiên lựa chọn?
- Tài chính: bạn muốn thu nhập của bản thân thay đổi ra sao trong 3 - 5 tới? Làm thế nào để bạn có thể nâng cao thu nhập? Đâu là kỹ năng then chốt bạn cần ưu tiên?
- Sức khoẻ: bạn mong muốn có một cơ thể như thế nào? Vóc dáng, ngoại hình của bạn sẽ ra sao trong 3 - 5 năm tới?
Dù ở khía cạnh nào nếu muốn đi đúng hướng và tối đa hoá những nguồn lực của bản thân thì ta buộc phải đặt mục tiêu và duy trì sự kỉ luật ấy để hiện thực hoá mục tiêu của mình.
Vợ chồng nếu không thống nhất được mục tiêu chung về nuôi dạy con thì mỗi người sẽ làm mỗi hướng. Đứa con vì thế mà trở nên hoang mang, lo lắng, không biết nên làm theo bố hay theo mẹ. Chính điều này sẽ tạo nên sự giằng xé, bức xúc trong con, lâu dần sẽ trở thành tâm bệnh.
Bản thân nếu không có mục tiêu để vươn tới thì sẽ mất đi động lực để cố gắng và thay đổi. Vài năm sau nhìn lại chỉ thấy tiếc rẻ vì đã phí hoài những ngày tháng trước kia.
Có bạn thấy mình đặt ra mục tiêu đọc ba cuốn sách một tuần liền bảo đọc sách mà cũng cần chỉ tiêu à? Mình nghĩ là cần, nếu không thì mình sẽ không đo lường và cố gắng hết sức được. Thứ gì không rõ ràng, không đo lường được thì sẽ không thể nào hoàn thành tốt được.
Bạn biết đấy, với mình đọc sách không phải để giải trí mà đó là một khoản đầu tư. Mình sẽ được trải nghiệm thêm những cuộc đời mới, được tương tác và trò chuyện với những bộ óc vĩ đại nhất. Nhờ vậy mình tốt nghiệp được rất nhiều bài học quý giá mà không cần phải đánh đổi.
Nhờ đặt mục tiêu và duy trì sự kỉ luật để hiện thực hoá mục tiêu ấy mà trong năm 2024 vừa qua mình đã đọc được 150 cuốn sách. Dĩ nhiên nó vẫn chưa đạt yêu cầu mà bản thân mình đề ra nhưng ít nhất nó cũng đã tiến tới gần đích. Nhờ đặt ra 156 mà mình đạt được 150, nếu không đặt ra 156 biết đâu con số chỉ là 15 hoặc 56 thì sao?
Không giống như mục tiêu - một thứ cụ thể, rõ ràng trên giấy. Kỷ luật là một thứ vô hình, nó là sự đấu tranh nội tâm mãnh liệt, giữa ta và một tâm trí thèm khát buông thả trong ta.
Lựa chọn điều phải làm thay vì điều ta thích làm chẳng bao giờ dễ dàng. Thế nhưng nhờ mục tiêu, nhờ tình yêu với bản thân và cam kết trách nhiệm với gia đình cùng những người xung quanh, ta sẽ chiến thắng sự thèm khát sống buông thả trong ta.
Bởi ta biết nếu những điều ta thích làm chỉ cho lợi ích trước mắt, thoả mãn thú vui nhất thời thì điều phải làm mang tới cho ta lợi ích lâu dài và mang hạnh phúc cho tất cả mọi người quanh ta.
Rèn luyện sự kỉ luật không phải là câu chuyện theo tháng, theo năm mà theo phút, theo giây. Nó chính là sự lựa chọn mà ta đưa ra lúc này và ở đây. Lựa chọn làm những thứ quan trọng nhưng không dễ dàng. Để sau này ta nhận được những thứ thực sự xứng đáng với bản thân mình.
Vậy nên để duy trì sự kỷ luật ta cần:
1. Làm rõ tình yêu, động lực to lớn với điều ta cần hoàn thành. Phóng tầm nhìn ra khoảng 3, 5, thậm chí 10 năm nữa để nhìn thấy hậu quả nếu ta không thực hiện nó, ta sẽ đau khổ thế nào, hối hận ra sao.
2. Có mục tiêu đi kèm để định hướng và nhìn rõ lộ trình. Đừng viết sẽ đọc sách nhiều hơn, hãy viết tôi sẽ đọc 1 cuốn sách 1 tuần vào các khung giờ sáng sớm 30 phút, trưa 10 phút và tối 20 phút.
3. Lên lịch trình cụ thể cho đầu việc cần làm và ưu tiên hoàn thành nó thật sớm. Không gì ngăn được ta nếu ta muốn. Vậy nên nếu đọc sách là việc ta biết cần làm, phải làm nhưng ngại làm thì hãy làm nó ngay đầu ngày (nuốt con ếch khó nhằn trước). Sau đó bạn sẽ thấy những việc khác dễ như ăn kẹo.
4. Cuối ngày tổng kết, xem đã làm được gì, chưa làm được gì, cần phải thay đổi, tinh chỉnh ở đâu để mai còn thay đổi. Việc này khá nhàm chán nhưng xứng đáng để bạn thực hiện, 5 phút thôi nhưng giúp bạn đi xa cả chặng đường sau đó. Thế nên hãy thực hiện sớm!
Hi vọng bài này giúp các bạn nhìn rõ mối quan hệ của mục tiêu, tình yêu và kỷ luật. Đồng thời cho bản thân phương hướng để rèn giũa và phát triển bản thân trong năm mới 2025 này!
p.s Ảnh này giúp bạn tối đa hoá năng suất và vượt qua được sự trì hoãn của bản thân đấy!