ĐƯỢC TẶNG CHIẾC ÁO NGỦ, NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG NGỜ PHẢI SỬA SANG LẠI CẢ 1 CĂN PHÒNG
CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC ÁO CỦA NHÀ TÂM LÝ HỌC DIDEROT
Vào thế kỷ 18, tại Pháp có một nhà triết học tên là Dennis Diderot. Một hôm, có người bạn mang tới tặng ông một chiếc áo ngủ chất liệu kiểu dáng rất đẹp, đường may tinh tế, Diderot cực kỳ yêu thích.
Ông mặc chiếc áo, đi qua đi lại trong phòng sách và bỗng nhiên phát hiện, đồ dùng trong phòng cái cũ mòn, cái lại không hợp phong cách; các mũi khâu trên thảm cũng thô tới đáng sợ.
Mình đã có chiếc áo ngủ sang trọng như thế, vậy tại sao lại không sống một cuộc sống đẹp hơn từ đây? Thế là, Diderot quyết định làm mới nâng cấp toàn bộ nội thất trong phòng sách.
Sau việc này, Diderot cảm thấy có gì đó không đúng. Bản thân là một triết học gia, thế mà lại chịu sức ép từ một chiếc áo ngủ. Ông ghi chép câu chuyện này lại đề ngẫm nghĩ.
200 năm sau, nhà kinh tế học đại học Harvard, Juliet Schroer đề cập tới câu chuyện này trong một cuốn sách tựa đề "Chi tiêu quá độ của người Mỹ", đồng thời đưa ra "Hiệu ứng Diderot", chuyên chỉ hiện tượng con người sau khi có một thứ mới thì không ngừng bài trí những vật dụng phù hợp với nó.
Trong sách "Hàn phi tử" có câu chuyện "Tượng trợ chi ưu", cũng phản ánh một cách rất hình tượng "hiệu ứng Diderot". Câu chuyện như sau:
Trụ Vương dùng ngà voi làm đũa, chú của Trụ Vương, Cơ Tử từ chuyện nhỏ suy ra đại cục, nghĩ rằng điều này không có kết quả tốt. Bởi vì Cơ Tử cho rằng, dùng đũa ngà, ắt hẳn sẽ không dùng lại chiếc cốc thô sơ mà đổi sang dùng chiếc cốc sừng tê giác tinh tế, cũng chắc chắn sẽ không ăn lại rau củ ngũ cốc thô, mà đổi sang sơn hào hải vị.
Đương nhiên, ăn sơn hào hải vị cũng sẽ mặc quần áo sang trọng, ngồi trong căn phòng rộng rãi, dưới mái đình cao lớn, mà không thể mặc lại quần áo vải thô cứng, ngồi trong ngôi nhà tranh ăn uống.
Nền tảng tâm lý học của "Hiệu ứng Diderot"là gì? Căn cứ vào tâm lý học Gestalt, cảm giác hoàn chỉnh là một trong những điều cần thiết cơ bản nhất. Khi con người đối diện với sự không hoàn mỹ hoặc thiếu sót, sẽ xuất hiện một dạng căng thẳng nội tại, từ đó nảy sinh khuynh hướng nóng vội muốn thay đổi, khiến chúng hoàn hảo hơn, nhằm cân bằng nội tâm.
Nói cách khác,"hiệu ứng Diderot" phản ánh tâm lý theo đuổi sự hoàn thiện của con người.
Có thể có người cho rằng, mình không phải là người có tính cách hoàn hảo, do vậy, "hiệu ứng Diderot" không phù hợp với họ. Nhưng nếu theo đuổi sự hoàn mỹ là tâm lý chung của nhiều người, nó sẽ hình thành áp lực cộng đồng, gián tiếp tạo ra "Hiệu ứng Diderot".
Câu chuyện của nhà tâm lý học người Mỹ William James và bạn thân, nhà vật lý học Carlson là một ví dụ rất sinh động.
James là người đưa ra "hiệu ứng lồng chim". Một hôm, James cá cược với Carlson: "Tớ nhất định sẽ khiến cậu sớm nuôi một con chim."
Carlson không đồng tình: "Tớ chưa bao giờ nghĩ muốn nuôi một con chim."
Vào ngày sinh nhật của Carlson, James tặng bạn một món quà, đó là một chiếc lồng chim tinh xảo. Carlson tiện tay đặt cạnh bàn làm việc, cười đáp: "Đây chỉ là một sản phẩm thủ công đẹp mà thôi."
Nhưng bắt đầu từ đó, khách khứa ghé thăm nhìn thấy chiếc lồng chim trống không bên cạnh chiếc bàn, dường như đều sẽ hỏi: "Giáo sư, ngài nuôi chim phải không?" Carlson đành phải giải thích hết lần này tới lần khác: "Tôi chưa bao giờ từng nuôi chim."
Nhưng sau câu trả lời này chỉ đều đổi lại nghi hoặc và ánh mắt ngờ vực. Bất đắc dĩ, Carlson đành mua một con chim bỏ vào lồng, "hiệu ứng lồng chim" cuối cùng đã ứng nghiệm.
Lời bình
Chân lý mà "Hiệu ứng Diderot" hay "Hiệu ứng lồng chim" chứng minh chính là, một khi chúng ta tiếp nhận đồ vật không cần thiết, áp lực theo đuổi sự hoàn mỹ của chính chúng ta cũng như áp lực cộng đồng mà những người xung quanh ta tạo nên, đều có thể thúc đẩy chúng ta không ngừng thu nhận nhiều hơn những món đồ không cần thiết.
Socrates từng nói: "Khi chúng ta mệt mỏi chạy theo cuộc sống xa hoa, cuộc sống hạnh phúc sẽ ngày càng xa chúng ta."
Nhưng trong thế giới đầy rẫy mong muốn và chọn lựa, duy trì ý thức giản dị, chân chất, biết đủ biết dừng lại, thật khó khăn biết bao.