CHẠY BỘ 3KM VÀ TẬP THỂ DỤC 15 PHÚT MỖI NGÀY TRONG 1 TUẦN LIỀN, TÔI CHỢT HIỂU RA: Không có thành công nào tự nhiên mà có, tất cả đều cần sự kỷ luật đến “cực hạn”
A.
Thời gian gần đây, do tình hình kinh doanh của công ty không tốt, có đến văn phòng cũng chẳng có nhiều việc để làm, các quản lý cắt giảm thời gian làm việc của mọi người đi rất nhiều. Trong thời gian rảnh rỗi, anh Trương - một nhân viên bộ phận kinh doanh - bắt đầu thích đọc sách.
Anh đọc rất nhiều chủ đề khác nhau từ phương pháp làm giàu, bài học thành công, nâng cao kỹ năng, tới những cuốn tâm lý xã hội, khoa học hành vi, hay thể chất sức khỏe… Nhưng không phải cuốn nào anh cũng có thể đọc và hiểu hết tất cả nội dung của nó.
Sau một thời gian ngắn, anh Trương càng hiểu rằng, cần phải xây dựng một kế hoạch kỷ luật hợp lý thì việc học tập, tiếp thu tri thức mới diễn ra hiệu quả hơn. Thế là anh quyết định vạch ra một thời gian biểu.
1. Đọc sách
Người ta có thể đọc 20 cuốn sách một ngày, nhưng anh của hiện tại thì không thể. Mỗi ngày, anh có thể bỏ ra 3 giờ đồng hồ để hoàn toàn tập trung cho việc đọc sách. Bắt đầu từ những cuốn sách có liên quan tới kiến thức mình đang có, ví dụ như lĩnh vực kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, tấm gương những tỷ phú thành công...
Năng lực của mình đạt tới mức nào thì sẽ tiếp cận với những thông tin, tri thức ở mức độ đó. Như vậy, ta mới không lãng phí thời gian vào những điều quá cao siêu mà bản thân chưa thể hiểu được. Chẳng ai có thể trở thành bác học chỉ trong một sớm một chiều, vì thế, quá trình từ từ tích lũy, nâng cao năng lực của mình một cách vững chắc lại đóng vai trò quan trọng hơn.
2. Vận động
Ngồi lâu một chỗ, anh Trương cảm thấy mỏi cổ, nhức vai, mắt cũng mờ và khô hơn hẳn. Anh quyết định thêm vào thời gian biểu của mình một giờ đồng hồ để vận động. Trong thời gian đó, anh đã chạy bộ 3km ở công viên gần nhà và tiếp tục tập luyện một số các bài thể dục phổ biến, đặc biệt tập trung vào phần vai và cột sống.
Từ khi bắt đầu thói quen này, anh nhận ra rằng, trước kia mình chỉ ngồi một chỗ làm việc, có di chuyển thì cũng đi bằng xe, cộng thêm đặc thù công việc thường phải đi xã giao, tiếp khách và ăn nhậu suốt ngày nên cơ thể của anh đặc biệt nặng nề.
Suốt 3 ngày đầu tiên, anh Trương vừa tập vừa nghỉ, tổng cộng mất tới 2 giờ đồng hồ để hoàn thành kế hoạch mình đề ra, tức là gấp đôi thời gian ước tính ban đầu. Mãi đến ngày thứ 4 trở đi, khi cơ thể đã dần quen với mức độ vận động, sức bền được gia tăng từng chút một, thời gian hoàn thành 3km chạy bộ mới rút ngắn đáng kể.
Sau tuần đầu tiên, chính bản thân anh nhận thấy cơ thể mình đã có sự thay đổi rõ rệt. Bình thường, thể trạng anh không tốt nên mỗi khi trời giao mùa, anh hay bị cảm lạnh, phải uống thuốc liên tục 7-10 ngày mới đỡ hơn. Còn bây giờ, mỗi lần đi chạy về, tắm nước nóng xong, anh lại cảm thấy khỏe khoắn hơn gấp bội. Các bệnh vặt bớt đi đáng kể, không còn sợ lạnh, nhức eo mỏi lưng thường xuyên như trước nữa.. Gương mặt cũng hồng hào, tràn đầy sức sống hơn.
3. Tổng kết lại, sau 1 tuần nỗ lực thay đổi, anh Trương đạt được:
- Hiểu biết phong phú hơn, tuy chưa thể trở thành chuyên gia nhưng ít nhất không phải “dốt đặc cán mai”.
- Thân thể khỏe mạnh hơn, bỏ được những thói xấu lười biếng, ít vận động ngày xưa.
- Rèn được thói quen tự kỷ luật, biết xây dựng kế hoạch để quản lý thời gian cho khoa học và hợp lý.
Tuy rằng, những gì anh thực sự đạt được trong 1 tuần vừa qua không đáng là bao so với những người thành công trên thế giới, nhưng ít ra, tích tiểu thành đại, cứ kiên trì thực hành ắt sẽ đạt được kết quả mà thôi.
Quá trình này giống như học bơi vậy, không thể chỉ dùng lý thuyết suông để nói, mà bắt buộc phải xuống nước thực hành. Như vậy, những thành quả tiếp thu được trong nếp sống kỷ luật đó mới thực sự chuyển hóa thành vật sở hữu của chính mình.
B. Thông qua đó, người ta đưa ra phương pháp quản lý thời gian sau đây:
1. Tự tách biệt thời gian làm việc và nghỉ ngơi, tạo ra môi trường hoàn cảnh làm không bị quấy nhiễu
Chẳng hạn như, nếu chồng con bạn dậy lúc 8 giờ, bạn có thể dậy sớm hơn 2 tiếng đồng hồ, từ đó dành ra 2 tiếng thời gian tự do.
2. Tuân thủ quy luật sinh hoạt, tự giữ lời hứa của chính mình
Nếu đã lên kế hoạch dậy sớm 2 tiếng để tập trung đọc sách thì nhất định phải thức dậy lúc 6 giờ, ngồi vào bàn nghiêm túc đọc, chứ không nên cố ngủ thêm 5-10 phút, rồi sau khi dậy lại làm đủ việc, vừa xem tin nhắn vừa nấu ăn vừa đọc sách được.
3. Làm việc khó nhất trong kế hoạch vào buổi sáng
Sáng sớm luôn là thời điểm yên tĩnh, dễ tập trung nhất, cả tinh thần và cơ thể cũng thoải mái hơn sau một giấc ngủ sâu để nghỉ ngơi. Do vậy, hãy lên kế hoạch thực hiện những công việc khó khăn, tốn thời gian nhất vào buổi sáng. Xử lý xong vấn đề rắc rối nhất, những kế hoạch còn lại trong ngày sẽ trở nên “dễ thở”, dễ kiên trì hơn nhiều.
4. Có sự chuẩn bị trước cho mọi kế hoạch
Nếu như trong kế hoạch đặt ra, bạn sẽ đi làm vào đúng 7h30, đến công ty lúc 7h55 phút, vừa kịp thời gian xếp hàng chấm công thì tuyệt đối không thể để mất thời gian vô bổ vào việc chọn quần áo, là phẳng sơ mi, tìm tất, tìm giày, tìm hồ sơ công văn… Trước khi kết thúc ngày hôm trước, hãy chuẩn bị đầy đủ cho cả hành trình hôm sau.
5. Không “xếp chồng” các hoạt động
Làm bất cứ việc gì cũng yêu cầu tự tập trung 100% mới đạt được thành quả tốt đẹp. Bạn không thể vừa lên mạng xem tin tức, vừa theo dõi phim truyền hình trên tivi, lại vừa có thể hoàn thành công việc.
Lời khuyên cuối cùng dành cho mọi người chính là kiên trì xây dựng một nếp sống kỷ luật và tự giác để nâng cao kỹ năng quản lý thời gian, thay đổi chính cuộc sống của mình trước. Hãy tập trung vào quá trình trước khi chăm chăm nghĩ tới thành quả.
Theo Trí Thức Trẻ
--------------------