3 BẪY NGẦM KHIẾN BẠN RA QUYẾT ĐỊNH SAI LẦM
Trong một ngày, mỗi người chúng ta phải đưa ra rất nhiều quyết định: từ trong công việc tới đời sống sinh hoạt thường ngày. Nhưng nếu không tuân thủ theo các kỹ năng ra quyết định, thì bạn rất dễ ra mắc phải các bẫy ngầm dẫn tới quyết định sai lầm. Dưới đây là 3 bẫy ngầm rất phổ biến trong ra quyết định.
1. Bẫy điểm tựa.
Trước khi đưa ra một quyết định, chúng ta thường có một kỳ vọng nhất định đặt vào quyết định đó. Nó thường dựa vào một sự kiện trong quá khứ hoặc một mệnh đề của người khác đưa ra hoặc một xu hướng hiện tại. Người đưa ra quyết định sẽ lấy đó làm điểm tựa rồi điều chỉnh theo ý mình, họ đưa ra một ước tính để ra quyết định mà không có cơ sở thực tiễn, hầu như chỉ dựa vào điểm tựa kinh nghiệm. Ví dụ như khi mua hàng, người mua thường có xu hướng mặc cả dựa trên điểm tựa là giá của người bán đưa ra chứ không phải dựa trên giá trị sử dụng thật sự của loại hàng hóa đó, dẫn tới giá cả dễ bị người bán chi phối.
Muốn khắc phục cái bẫy này, trước tiên chúng ta phải thừa nhận nó, gạt cái điểm tựa dựa trên kinh nghiệm đó ra khỏi đầu, rồi tự đưa ra điểm tựa cho chính mình dựa trên lý trí của bản thân, và phải suy xét thật kỹ. Trong trường hợp nhận được ý kiến từ một người khác, đừng dễ dãi tin vào nó, mà hãy coi đó chỉ như một ý để tham khảo mà thôi, điểm tựa để ra quyết định phải là do chính mình tạo ra.
2. Bẫy ngụy biện.
Thông thường, chúng ta khi đưa ra một quan điểm, thường có xu hướng bảo vệ quan điểm của mình bất chấp đúng sai, còn khi ai đó đưa ra một quan điểm trái ngược, ngay lập tức mình sẽ gạt bỏ, phủ nhận nó. Bởi vì khi bạn ra một quyết định, nó thường dựa trên ý thích của mình, do đó nó thường mang thiên hướng chủ quan nhiều hơn chứ không hề khách quan. Chính vì mình đã thích rồi, mình tin nó rồi thì mình sẽ tìm mọi cách để bảo vệ chứ không hề dựa trên lý trí.
Để tránh khỏi bẫy ngụy biện, bạn phải dựa vào các chứng cứ đã có. Thay vì cố chấp, ra quyết định dựa trên quan điểm chủ quan, hãy luôn tự phản biện, tự phủ nhận chính mình theo tinh thần xây dựng và phát triển, như vậy mới có thể trung thực với chính bản thân mình.
3. Bẫy tuân theo số đông.
Nếu bạn không có đủ niềm tin vào chính mình thì quyết định bạn đưa ra sẽ rất dễ bị đám đông chi phối. Bởi vì bạn không muốn mình lập dị, không muốn mâu thuẫn với số đông để làm hài lòng mọi người, bạn cũng sợ khi mình khác mọi người sẽ nhận về chỉ trích và chỉ có quyết định giống họ thì tất cả mới có thể hài lòng. Nhưng thật ra, những quyết định như vậy đều được đưa ra bởi những người hèn nhát, không có quan điểm riêng. Hãy nhớ đám đông thường đại diện cho cái sai và bạn tuân theo thì sẽ mãi không vượt qua được.
Trước khi tham khảo ý kiến của mọi người, bạn nên viết quan điểm của mình ra một tờ giấy để sau đó còn có cái để so sánh, để biết độ vênh là như thế nào để điều chỉnh. Hãy nhớ không được lấy quyết định của đám đông để làm điểm tựa cho chính mình.
Thậm chí, ngay cả khi biết được quan điểm của người đứng đầu, người thủ lĩnh thì nó cũng không chắc là đúng hoàn toàn đâu, quyết định của họ có thể cũng chỉ là sự tổng hợp lại dựa trên ý kiến tập thể mà thôi. Đừng vội nghe theo mà nên suy xét kỹ càng và đưa ra quan điểm của riêng mình nhé!
#kynangmoi